Hiểu để thay đổi: Tâm lý phản kháng trong việc bảo vệ môi trường

19 tháng 08 năm 2024

Dưới đây là những ví dụ về khẩu hiệu về bảo vệ môi trường: "Hãy nghĩ về môi trường" và "Lãng phí ít hơn, sống nhiều hơn. Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế!". Bạn cảm thấy thế nào về chúng? Nếu bạn cảm thấy đôi phần khó chịu với câu thứ hai, bạn không phải là người duy nhất.

Tâm lý phản kháng trong việc bảo vệ môi trường

Theo nghiên cứu của Christos Kavvouris, con người không thích bị sai khiến cũng như bị hối thúc khi làm việc, thường có thái độ nghi ngờ với các chiến dịch xã hội và tâm lý phản kháng (psychological reactance). Tuy đây là một hiện tượng khá khó để nhận biết, song việc hiểu rõ định nghĩa và cách nó hoạt động có thể giúp bạn ứng biến tốt hơn khi gặp phải những tình huống tương tự trong cuộc sống.

Tâm lý phản kháng là một động cơ tâm lý khiến cho chúng ta cảm thấy khó chịu hoặc ức chế khi đối mặt với yếu tố có khả năng đe dọa đến sự tự do của hành động theo ý muốn cá nhân. Kết quả của những phản ứng tiêu cực này thường là hành động ngược lại với hành vi được yêu cầu như một cách để thể hiện tính cá nhân và độc lập của bản thân. Ví dụ như tại các buổi triển lãm tranh, trưng bày, người xem thường muốn chạm, di chuyển, dựa vào tác phẩm hay đi vào các khối sắp đặt.

Source: vccavietnam

Con người luôn có một niềm tin rất mãnh liệt rằng họ có quyền tự do quyết định hành động của bản thân. Tuy nhiên, sẽ có những lúc niềm tin này bị lung lay bởi các nguyên nhân khác nhau hay tình huống bất khả kháng. Đó chính là lúc tâm lý phản kháng xuất hiện, trở thành một động lực tiêu cực do chính cá nhân người đó tạo ra với mục đích giành lại sự tự do mà họ cho rằng đang bị đe dọa. Kết quả là, họ có thể chống lại những hành động được khuyên nhủ hoặc quy định nhằm khôi phục sự tự do của mình. Ví dụ như dù bạn được khuyến khích sử dụng cốc giấy để bảo vệ môi trường, thì khả năng cao bạn vẫn sẽ cố tình chọn dùng cốc nhựa. Loại phản ứng này được gọi là phục hồi trực tiếp (direct restoration). Một cách phản ứng khác là tự điều chỉnh cho cảm xúc của bạn tích cực hơn, chẳng hạn như suy nghĩ rằng, "Đằng nào thì tôi cũng định dùng cốc giấy mà!"hoặc phủ nhận hoàn toàn những cảm xúc trước đó, như thể nó chưa từng xảy ra.

Vậy… Cần làm gì trong trường hợp này?

Một thủ thuật để ngăn ngừa tâm lý phản kháng là thay đổi trải nghiệm sao cho không còn tạo cảm giác là mối đe dọa sự tự do và tự chủ của bên nhận thông điệp. Lưu ý việc một người gợi ý điều gì đó cho bạn không đồng nghĩa với việc họ muốn thể hiện sự vượt trội hay cố gắng kiểm soát hành vi. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc nhắc nhở người tham gia "họ tự do quyết định điều gì là tốt cho mình" sau khuyến khích họ thực hiện một thói quen sức khỏe cụ thể, như việc sử dụng kem chống nắng, đã có hiệu quả trong việc giảm tâm lý phản kháng. Các nghiên cứu khác cũng đã cho thấy việc thể hiện sự đồng cảm và khuyến khích người khác đặt mình vào vị trí của người đưa ra lời khuyên sẽ giúp giảm các cảm xúc tiêu cực một cách đáng kể.

Source: Virinaflora

Một cách tiếp cận khác là ứng dụng tâm lý học xã hội khi tập trung vào các chuẩn mực xã hội và sức mạnh thuyết phục của chúng. Tâm lý học xã hội có thể chia thành hai loại chuẩn mực: chuẩn mực bắt buộc và chuẩn mực mô tả. Chuẩn mực bắt buộc liên quan đến các biện pháp trừng phạt xã hội; cá nhân bị thúc đẩy tuân thủ bởi áp lực phải tuân thủ vì họ muốn tránh những hình phạt xã hội khi không tuân theo chuẩn mực. Trong khi đó, chuẩn mực mô tả thúc đẩy cá nhân tuân thủ chuẩn mực bởi vì họ nghĩ rằng, nếu đa số mọi người thực hiện một hành động nào đó, thì đó chính là cách xử lý tốt nhất hoặc đúng đắn nhất.

Thực tế, việc thiết kế các chiến dịch dựa trên các chuẩn mực mô tả cũng là cách được ưa chuộng nhất, vì chúng có khả năng khuyến khích mọi người hành động hiệu quả hơn nhiều. Một số ví dụ về việc sử dụng chuẩn mực mô tả trong những khuyến nghị liên quan đến môi trường có thể kể đến như: "82% sinh viên phân loại rác tại nguồn", hoặc "Tắt các thiết bị khi không sử dụng".

Tuy nhiên, đôi khi các chuẩn mực mô tả có thể gây ra hiệu ứng ngược, dẫn đến hiệu ứng boomerang. Cụ thể hơn, một số nghiên cứu sử dụng chuẩn mực mô tả đã phát hiện ra các nhóm cá nhân, hoặc có hành vi trái ngược, hoặc không hề bị ảnh hưởng bởi lời kêu gọi. Trong những trường hợp khó có thể đưa ra sự lựa chọn giữa các phương án thì việc điều chỉnh lời kêu gọi dựa trên chuẩn mực quy định có thể hiệu quả hơn. Đó là bởi chúng có ảnh hưởng kéo dài lâu hơn, và giảm thiểu hiệu ứng boomerang khi được sử dụng cùng với các lời kêu gọi dựa trên chuẩn mực mô tả. Ví dụ, thay vì nói "Lãng phí ít hơn, sống nhiều hơn. Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế!", một câu đơn giản như "Hãy nghĩ về môi trường" cũng đã đủ để khuyến khích mọi người hành động.

Source: Virinaflora

Lời cuối

Tâm lý phản kháng là một cách tự vệ của tâm trí, đặc biệt khi chúng ta cảm thấy quyền tự do của mình bị đe dọa. Do đó, hiểu cách mọi người phản ứng với thông điệp bảo vệ môi trường trong các bối cảnh cụ thể là rất quan trọng để tăng độ hiệu quả của các chiến dịch. Ngoài ra, những người thiết kế chiến dịch cũng nên chú ý điều chỉnh thông điệp phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng nhóm đối tượng, tạo thiện cảm và phản hồi tích cực với các lời kêu gọi cung cấp thông tin về điều nên làm hơn là các lời kêu gọi ra lệnh những gì cần thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/03637750500111815

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0148296319306046

https://psycnet.apa.org/doi/10.1111/hcre.12007

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27453805/

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

 

Chia sẻ